Cùng doanh nghiệp vươn tầm quốc tế
nâng vị thế thương hiệu
quốc gia

MENU
KNA Cert - Quality Innovation

NỘI DUNG TIÊU CHUẨN BSCI - THÔNG TIN CHI TIẾT CHO DOANH NGHIỆP 

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự quan tâm ngày càng tăng của người tiêu dùng đối với các vấn đề đạo đức. Tiêu chuẩn BSCI đã trở thành một yếu tố quan trọng giúp doanh nghiệp khẳng định cam kết về trách nhiệm xã hội. Vậy nội dung tiêu chuẩn BSCI gồm những gì? Bài viết dưới đây, KNA CERT sẽ cung cấp cho quý doanh nghiệp những thông tin chi tiết nhất.

Tiêu chuẩn BSCI là gì?

BSCI viết tắt tiếng anh của cụm từ Business Social Compliance Initiative – Bộ tiêu chuẩn đánh giá tuân thủ trách nhiệm xã hội trong kinh doanh ra đời năm 2003 bởi Hiệp hội Ngoại thương (FTA), nay là Hiệp hội kinh doanh toàn cầu về Thương mại bền vững (amfori). Tiêu chuẩn BSCI là một hệ thống đánh giá tuân thủ xã hội giúp doanh nghiệp đảm bảo rằng các điều kiện làm việc trong chuỗi cung ứng của họ tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế về nhân quyền và quyền lao động. Mục tiêu chính của BSCI hướng đến việc cải thiện và bảo vệ quyền lợi của người lao động trên toàn thế giới. 

BSCI không phải là một chứng nhận độc lập mà là một bộ quy tắc ứng xử giúp doanh nghiệp cải thiện môi trường làm việc và nâng cao trách nhiệm xã hội. Hệ thống này được xây dựng dựa trên các công ước quan trọng của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), Tuyên ngôn Nhân quyền Liên Hợp Quốc, cùng các quy định của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).

Theo bản cập nhật mới nhất, nội dung tiêu chuẩn BSCI hay bộ quy tắc ứng xử BSCI bao gồm 13 nguyên tắc cốt lõi yêu cầu doanh nghiệp tham gia phải cam kết thực hiện. Các quy tắc này trình bày những mục tiêu đầy tham vọng và những kỳ vọng tối thiểu mà người tham gia BSCI có được liên quan đến cách ứng xử xã hội trong chuỗi cung ứng của họ. Ngoài ra, BSCI cũng yêu cầu doanh nghiệp duy trì một chuỗi cung ứng có trách nhiệm, đảm bảo rằng các nhà cung cấp của họ cũng tuân thủ các tiêu chuẩn tương tự.

Đối tượng cần tìm hiểu nội dung tiêu chuẩn BSCI 

Bộ quy tắc BSCI được áp dụng cho tất cả các tổ chức, không phân biệt loại hình kinh doanh, địa điểm, quy mô… Bao gồm tất cả các công ty lớn nhỏ, các sản phẩm sản xuất công nghiệp có nguồn gốc từ bất kỳ quốc gia nào. Cụ thể:

  • Doanh nghiệp lớn và nhỏ: BSCI không chỉ phù hợp với các tập đoàn lớn mà còn hỗ trợ hiệu quả cho các doanh nghiệp nhỏ, đặc biệt là những doanh nghiệp muốn cải thiện điều kiện làm việc và khẳng định cam kết kinh doanh có đạo đức.
  • Các tổ chức sản xuất: BSCI được thiết kế để áp dụng cho mọi sản phẩm, không giới  hạn về quốc gia hay lĩnh vực sản xuất. Điều này giúp đảm bảo rằng các sản phẩm được sản xuất trong môi trường tuân thủ các tiêu chuẩn xã hội quốc tế.
  • Nhà cung cấp, nhà phân phối, nhà bán lẻ: Bằng cách áp dụng BSCI, các nhà cung cấp, nhà phân phối, nhà bán lẻ có thể đảm bảo rằng toàn bộ chuỗi cung ứng của họ tuân thủ các tiêu chuẩn về điều kiện làm việc, từ đó giảm thiểu rủi ro và tăng cường sự tin cậy từ phía đối tác và khách hàng.

Ngoài ra, các doanh nghiệp tự nguyện áp dụng, mong muốn tập trung vào việc phát triển hệ thống quản lý về trách nhiệm xã hội, an toàn sức khỏe nghề nghiệp và bảo vệ môi trường. Các doanh nghiệp tham gia vào thị trường xuất khẩu đặc biệt là thị trường Châu Âu, tham gia vào các chuỗi cung ứng cũng được yêu cầu áp dụng tuân thủ bộ quy tắc BSCI.

Chi tiết 13 nội dung tiêu chuẩn BSCI

Việc tuân thủ 13 nội dung của Bộ quy tắc ứng xử BSCI về trách nhiệm xã hội trong doanh nghiệp là điều mà các nhà máy, doanh nghiệp bắt buộc phải thực hiện nếu muốn tham gia vào thị trường kinh doanh. Dưới đây là 13 nội dung tiêu chuẩn BSCI, bao gồm:

1. Hệ thống quản lý trách nhiệm xã hội và hiệu ứng phân tầng

Theo tiêu chuẩn BSCI, các bên tham gia cần thực hiện các cam kết toàn diện nhằm đảm bảo quản lý trách nhiệm xã hội hiệu quả. Cụ thể, doanh nghiệp phải ban hành và truyền đạt công khai chính sách nhân quyền dưới dạng văn bản, được phê duyệt bởi ban lãnh đạo cấp cao và phù hợp với quy mô hoạt động. Đồng thời, họ cần triển khai hệ thống quản lý thẩm định dựa trên quy trình và rủi ro, dựa trên các Nguyên tắc Hướng dẫn của Liên Hiệp Quốc và được điều chỉnh theo mô hình kinh doanh cụ thể, trong đó các kỳ vọng của Bộ Quy tắc Ứng xử amfori BSCI được tích hợp.

Bên cạnh đó, các bên phải truyền đạt cam kết này trong nội bộ và chuỗi cung ứng, đào tạo nhân viên về thực hành kinh doanh có trách nhiệm, theo sát đối tác để đảm bảo tuân thủ quy tắc, đặc biệt chú trọng bảo vệ nhóm lao động yếu thế. Họ cũng cần duy trì chiến lược, nguồn lực nhằm cải thiện liên tục việc thực hiện Bộ Quy tắc và áp dụng các phương thức mua hàng có trách nhiệm, không gây cản trở việc tuân thủ tiêu chuẩn BSCI.

2. Sự tham gia của công nhân và biện pháp bảo vệ họ

Tiêu chuẩn BSCI yêu cầu các bên tham gia đảm bảo sự tham gia của công nhân và thực hiện các biện pháp bảo vệ họ thông qua quản lý có trách nhiệm và bình đẳng giới. Doanh nghiệp phải tạo điều kiện cho người lao động và đại diện của họ tham gia vào quá trình thẩm tra, đánh giá, đồng thời đặt ra các mục tiêu dài hạn nhằm bảo vệ quyền lợi của công nhân. Các bước cụ thể như đào tạo phải được thực hiện để nâng cao nhận thức của người lao động, đặc biệt là nhóm yếu thế, với sự tham gia của các bên trung gian khi cần thiết. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần xây dựng năng lực cho quản lý và nhân viên trong chuỗi cung ứng để áp dụng Bộ quy tắc ứng xử amfori BSCI, đồng thời thiết lập hoặc tham gia vào cơ chế khiếu nại hiệu quả, tuân thủ các nguyên tắc của Liên Hiệp Quốc và hỗ trợ giải quyết vấn đề giữa các khu vực pháp lý khi cần thiết.

3. Quyền tự do lập hiệp hội và quyền thương lượng tập thể

Nội dung tiêu chuẩn BSCI này cho phép người lao động có quyền tự do thành lập, tham gia hoặc từ chối tham gia công đoàn cũng như tham gia thương lượng tập thể một cách tự nguyện, dân chủ, không bị phân biệt đối xử dưới bất kỳ hình thức nào, bao gồm cả phân biệt giới tính. Đồng thời, doanh nghiệp phải đảm bảo sự đại diện có ý nghĩa cho tất cả người lao động, không có sự thiên vị hay hạn chế quyền lợi. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng không được cản trở đại diện của người lao động và nhà tuyển dụng trong việc tiếp cận, trao đổi, tương tác với người lao động tại nơi làm việc.

Đặc biệt, trong những quốc gia nơi hoạt động công đoàn bị hạn chế hoặc không được phép hoạt động tự do, doanh nghiệp cần tôn trọng nguyên tắc này bằng cách cho phép người lao động tự do bầu chọn đại diện của mình. Người đại diện này sẽ đóng vai trò là cầu nối giữa người lao động và doanh nghiệp để đối thoại và giải quyết các vấn đề tại nơi làm việc, đảm bảo quyền lợi cho người lao động trong khuôn khổ tiêu chuẩn BSCI. Việc tôn trọng và thực thi các quyền này không chỉ bảo vệ quyền lợi của người lao động mà còn góp phần tạo nên mối quan hệ lao động lành mạnh và ổn định, từ đó nâng cao hiệu quả kinh doanh và uy tín của doanh nghiệp.

4. Không phân biệt đối xử, bạo lực hoặc quấy rối

Các bên tham gia tiêu chuẩn BSCI cam kết đối xử với tất cả người lao động một cách tôn trọng và công bằng. Điều này bao gồm việc đảm bảo rằng người lao động không phải chịu bất kỳ hình thức bạo lực, quấy rối, hay đối xử vô nhân đạo hoặc hạ thấp nào tại nơi làm việc. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần nhận diện và loại bỏ các yếu tố có thể dẫn đến phân biệt đối xử theo giới tính, độ tuổi, tôn giáo, chủng tộc, nguồn gốc dân tộc, quốc tịch, tình trạng hôn nhân, mang thai, bệnh tật, tình trạng khuyết tật, quan điểm chính trị, khuynh hướng tình dục, tư cách thành viên công đoàn hay bất kỳ đặc điểm nào khác có thể trở thành lý do bị phân biệt đối xử.

Để thực hiện cam kết này, doanh nghiệp cần xây dựng và truyền thông rõ ràng các quy trình kỷ luật bằng văn bản, đảm bảo chúng tuân thủ pháp luật và được người lao động hiểu rõ. Ngoài ra, các biện pháp tuyển dụng, sử dụng lao động phải đảm bảo công bằng giới, bình đẳng trong cơ hội việc làm. Đặc biệt, người lao động phải được bảo vệ khỏi các hành vi quấy rối, trừng phạt hoặc trả đũa khi họ báo cáo những vi phạm liên quan đến nguyên tắc này. Việc thực thi nghiêm túc quy định về không phân biệt đối xử, bạo lực hoặc quấy rối không chỉ giúp nâng cao môi trường làm việc lành mạnh mà còn thúc đẩy doanh nghiệp phát triển bền vững, tạo dựng lòng tin với người lao động và đối tác.

5. Trả thù lao công bằng

Nội dung tiêu chuẩn BSCI yêu cầu các bên tham gia đảm bảo trả thù lao công bằng bằng cách tuân thủ mức lương tối thiểu cao hơn giữa quy định pháp luật và thỏa thuận ngành, tính trên số giờ làm việc tiêu chuẩn. Tiền lương phải được trả đầy đủ, đều đặn, kịp thời bằng đồng tiền pháp định, với trợ cấp bằng hiện vật chỉ được chấp nhận nếu phù hợp với nguyên tắc của ILO. Doanh nghiệp cần từng bước hướng tới trả lương đủ sống, phản ánh đúng kỹ năng, trách nhiệm và thâm niên của người lao động. Khi áp dụng hình thức trả lương theo sản phẩm, định mức hoặc khoán, phải đảm bảo thu nhập tối thiểu đạt hoặc vượt mức lương hợp pháp. Người lao động ở mọi giới tính và hoàn cảnh, bao gồm lao động nhập cư và địa phương, phải nhận mức thù lao bình đẳng cho công việc tương đương. Các khoản khấu trừ chỉ được thực hiện theo quy định pháp luật hoặc thỏa ước tập thể, đồng thời phúc lợi xã hội phải được đảm bảo mà không ảnh hưởng tiêu cực đến thu nhập, thâm niên hay cơ hội thăng tiến của người lao động.

6. Giờ công làm việc xứng đáng 

Theo đó, doanh nghiệp phải đảm bảo số giờ làm việc tiêu chuẩn không vượt quá 48 giờ mỗi tuần, trừ các trường hợp ngoại lệ được Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) quy định. Nếu có nhu cầu làm thêm giờ, việc này chỉ được phép thực hiện trong các trường hợp ngoại lệ do ILO quy định và phải được người lao động đồng ý trên tinh thần tự nguyện. Tiền lương làm thêm giờ phải được trả tối thiểu 125% mức lương tiêu chuẩn, đồng thời không được làm gia tăng đáng kể nguy cơ rủi ro nghề nghiệp. Doanh nghiệp cũng phải đảm bảo số giờ làm thêm không vượt quá giới hạn do pháp luật quốc gia quy định.

Bên cạnh đó, người lao động phải được hưởng quyền nghỉ ngơi trong mỗi ngày làm việc và có ít nhất một ngày nghỉ trong chu kỳ làm việc 7 ngày, trừ những trường hợp ngoại lệ theo thỏa ước tập thể. Việc tuân thủ nguyên tắc thời giờ làm việc hợp lý không chỉ giúp bảo vệ sức khỏe người lao động mà còn nâng cao năng suất, tạo ra môi trường làm việc ổn định và phát triển bền vững cho doanh nghiệp.

7. An toàn và sức khỏe lao động 

Đây là một trong những nội dung tiêu chuẩn BSCI quan trọng nhất, nhằm đảm bảo điều kiện làm việc an toàn, lành mạnh cho người lao động. Doanh nghiệp phải có trách nhiệm tôn trọng quyền được hưởng môi trường làm việc an toàn, đặc biệt đối với lao động trẻ, phụ nữ mang thai hoặc mới sinh con, và người khuyết tật. Doanh nghiệp phải tuân thủ luật pháp về an toàn và sức khỏe nghề nghiệp, hoặc áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế nếu luật pháp quốc gia chưa đủ chặt chẽ. Hệ thống đánh giá và ngăn ngừa rủi ro phải được triển khai, cùng với việc đào tạo thường xuyên cho người lao động và cộng đồng về các nguy cơ tiềm ẩn. Các biện pháp bảo vệ phải giảm thiểu nguy cơ tai nạn, thương tích, bệnh nghề nghiệp và đảm bảo có bảo hiểm khi xảy ra sự cố.

Hồ sơ về sức khỏe và an toàn lao động cần được lưu trữ đầy đủ, và mọi trang thiết bị, tòa nhà phải đáp ứng tiêu chuẩn an toàn. Các ủy ban an toàn và sức khỏe nghề nghiệp nên được thành lập để đảm bảo sự hợp tác giữa người lao động và quản lý. Người lao động có quyền rời khỏi nơi làm việc trong tình huống nguy hiểm mà không cần xin phép. Doanh nghiệp phải cung cấp đầy đủ dịch vụ y tế nghề nghiệp, nước uống sạch, khu vực ăn uống, nhà vệ sinh an toàn và cơ sở cư trú đạt tiêu chuẩn nếu có. Thiết bị bảo hộ cá nhân (PPE) phù hợp phải được cấp miễn phí, đặc biệt cho những nhóm lao động có nhu cầu đặc biệt. Trong trường hợp vi phạm các nguyên tắc an toàn, doanh nghiệp có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người lao động.

8. Không sử dụng lao động trẻ em

Các doanh nghiệp cam kết không tuyển dụng lao động dưới độ tuổi tối thiểu theo quy định pháp luật và tuyệt đối không sử dụng lao động dưới 15 tuổi, trừ những trường hợp ngoại lệ được Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) công nhận. Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải có trách nhiệm bảo vệ trẻ em khỏi mọi hình thức bóc lột lao động, không để các em tham gia vào những công việc có thể gây hại đến sức khỏe, sự phát triển thể chất và tinh thần.

Để thực hiện cam kết này, doanh nghiệp cần thiết lập các cơ chế xác minh độ tuổi nghiêm ngặt trong quá trình tuyển dụng nhằm đảm bảo không có trường hợp trẻ em bị sử dụng lao động trái quy định. Các cơ chế này phải được thực hiện một cách chuyên nghiệp, minh bạch và không làm ảnh hưởng đến nhân phẩm của người lao động. Nếu phát hiện trường hợp lao động trẻ em đang làm việc, doanh nghiệp phải chủ động thực hiện các biện pháp xử lý nhân đạo, tránh việc sa thải hoặc trục xuất đột ngột khiến các em rơi vào tình trạng khó khăn. Thay vào đó, cần có giải pháp phù hợp để đảm bảo trẻ em bị ảnh hưởng có cơ hội tiếp tục học tập và phát triển trong môi trường an toàn.

9. Bảo vệ đặc biệt đối với lao động trẻ tuổi 

Đối với những người lao động trẻ tuổi thì cần đảm bảo rằng họ không làm việc vào ban đêm và được bảo vệ trước các điều kiện làm việc có hại cho sự an toàn, sức khoẻ, đạo đức và sự phát triển của người lao động. Nếu phát hiện lao động vị thành niên đang làm công việc nguy hiểm hoặc tiếp xúc với các yếu tố độc hại, doanh nghiệp cần ngay lập tức loại bỏ họ khỏi môi trường làm việc có rủi ro cao và sắp xếp công việc phù hợp mà không làm ảnh hưởng đến thu nhập của họ.

Thời gian làm việc của nhân sự trẻ tuổi cần đảm bảo không ảnh hưởng tới thời gian học tập, định hướng nghề nghiệp do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Điều này giúp họ không chỉ có cơ hội phát triển bản thân mà còn chuẩn bị tốt hơn cho sự nghiệp trong tương lai. Ngoài ra, doanh nghiệp cần đảm bảo có cơ chế khiếu nại và chương trình đào tạo phù hợp dành cho lao động trẻ em.

10. Không cung cấp việc làm tạm thời 

BSCI yêu cầu doanh nghiệp không cung cấp việc làm tạm thời bằng việc phải ký kết hợp đồng với cán bộ công nhân viên theo quy định của pháp luật. Doanh nghiệp cũng cần cung cấp đầy đủ các thông tin về quyền, trách nhiệm và điều kiện cho nhân sự trước khi họ bắt đầu làm việc tại đơn vị như thời gian, thù lao, trợ cấp, chế độ bảo hiểm, ngày nghỉ phép…

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cam kết không sử dụng các thỏa thuận lao động trái quy định pháp luật nhằm hạn chế quyền lợi của người lao động. Điều này bao gồm việc lạm dụng các chương trình học nghề hoặc đào tạo không thực chất, tuyển dụng lao động thời vụ hoặc dự phòng với mục đích giảm quyền lợi của họ, sử dụng hợp đồng lao động tạm thời không hợp lý hoặc thay thế hợp đồng lao động chính thức. Đồng thời, doanh nghiệp cũng không được sử dụng hợp đồng thầu phụ gây tổn thương về kinh tế, xã hội cho người lao động.

11. Không sử dụng lao động lệ thuộc 

Các bên tham gia tiêu chuẩn BSCI cam kết không tham gia vào, hoặc thông qua các đối tác kinh doanh, có hành vi đồng lõa với bất kỳ hình thức lao động nô dịch, cưỡng bức, lệ thuộc, có khế ước, buôn bán lao động hoặc lao động không tự nguyện.

Doanh nghiệp cần tuân thủ các nguyên tắc quốc tế về tuyển dụng có trách nhiệm, bao gồm:

  • Không tính các khoản phí và chi phí tuyển dụng cho người lao động.
  • Hợp đồng lao động rõ ràng và minh bạch.
  • Người lao động không bị lừa dối và ép buộc.
  • Tự do di chuyển và không giữ lại giấy tờ tùy thân.
  • Truy cập thông tin miễn phí, toàn diện và chính xác.
  • Tự do chấm dứt hợp đồng, thay đổi chủ lao động và trở lại an toàn.
  • Miễn phí tiếp cận giải quyết tranh chấp và các biện pháp khắc phục hiệu quả.

Nếu xác định được những sai sót trước đây hoặc hiện tại trong việc tuân thủ các nguyên tắc, doanh nghiệp cần bồi thường dần những thiệt hại phát sinh cho người lao động trong một khung thời gian hợp lý và trong khuôn khổ của các nguyên tắc quốc tế tương tự.

12. Bảo vệ môi trường

Các bên tham gia cam kết triển khai hệ thống quản lý môi trường phù hợp với mô hình kinh doanh của mình, dựa trên việc đánh giá rủi ro và quy trình hoạt động. Hệ thống này có thể được tích hợp vào cơ chế kiểm soát nội bộ để đảm bảo tính toàn diện và hiệu quả. Doanh nghiệp phải tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường theo luật pháp quốc gia. Nếu luật pháp quốc gia còn yếu hoặc chưa được thực thi chặt chẽ, doanh nghiệp cần áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế cao hơn để đảm bảo tính bền vững trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp có trách nhiệm đánh giá và xác định các tác động môi trường từ hoạt động của mình, từ đó thực hiện các biện pháp ngăn ngừa, giảm thiểu và khắc phục những ảnh hưởng tiêu cực. Việc chủ động bảo vệ môi trường không chỉ giúp doanh nghiệp phát triển bền vững mà còn góp phần xây dựng một xã hội xanh, sạch và lành mạnh hơn.

13. Hành vi kinh doanh có đạo đức

Nội dung này đảm bảo sự minh bạch và liêm chính trong hoạt động kinh doanh. Các bên tham gia cam kết không thực hiện hoặc tiếp tay cho bất kỳ hành vi tham nhũng, tống tiền, biển thủ hay hối lộ nào. Để ngăn chặn các hành vi phi đạo đức, doanh nghiệp cần xây dựng và thực hiện các biện pháp kiểm soát nội bộ phù hợp, dựa trên đánh giá rủi ro cụ thể của tổ chức. Đồng thời, doanh nghiệp có trách nhiệm lưu giữ và cung cấp thông tin chính xác về hoạt động, cơ cấu và hiệu suất của mình, tuân theo các quy định hiện hành cũng như các chuẩn mực trong ngành nhằm nâng cao tính minh bạch.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải tránh mọi hành vi xuyên tạc hoặc làm sai lệch thông tin trong chuỗi cung ứng. Nhằm nâng cao nhận thức và thúc đẩy sự tuân thủ, doanh nghiệp cần đào tạo và phổ biến các chính sách, quy định về hành vi kinh doanh có đạo đức cho người lao động. Doanh nghiệp cũng phải đảm bảo việc thu thập, sử dụng và xử lý thông tin cá nhân của người lao động, đối tác kinh doanh, khách hàng, người tiêu dùng một cách cẩn trọng, đúng theo quy định của pháp luật.

Bài viết trên đây của KNA CERT đã cung cấp thông tin chi tiết về nội dung tiêu chuẩn BSCI. Hy vọng doanh nghiệp đã có thêm thông tin để triển khai tiêu chuẩn BSCI hiệu quả. Nếu Quý doanh nghiệp còn bất cứ thắc mắc nào về dịch vụ đánh giá BSCI, vui lòng liên hệ với KNA CERT để được hỗ trợ tốt nhất.  

  • Trụ sở chính: Tầng 11, Tòa nhà Ladeco Building, 266 Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội
  • Chi nhánh: Tầng 7, Tòa nhà Thủy Lợi 4, 205A Nguyễn Xí, Phường 26, Quận Bình Thạnh, TPHCM
  • Facebook: https://www.facebook.com/KNACertification
  • Hotline: 0968.038.122
  • Email: salesmanager@knacert.com

Tin Mới Nhất

NỘI DUNG TIÊU CHUẨN BSCI - THÔNG TIN CHI TIẾT CHO DOANH NGHIỆP 

29-04-2025

NỘI DUNG TIÊU CHUẨN BSCI - THÔNG TIN CHI TIẾT CHO DOANH NGHIỆP 

Tiêu chuẩn BSCI đã trở thành một yếu tố quan trọng giúp doanh nghiệp khẳng định cam kết về trách nhiệm xã hội. Vậy nội dung tiêu chuẩn BSCI gồm những gì? Bài viết dưới đây, KNA CERT sẽ cung...

Giấy chứng nhận ISO 9001 do cơ quan nào cấp? Giải đáp chuẩn 

28-04-2025

Giấy chứng nhận ISO 9001 do cơ quan nào cấp? Giải đáp chuẩn 

Tìm hiểu giấy chứng nhận ISO 9001 do cơ quan nào cấp, quy trình, thẩm quyền & cách chọn đơn vị uy tín. Click ngay để được tư vấn miễn phí! 

DANH SÁCH CÁC KHO XƯỞNG ĐẠT CHUẨN HACCP TẠI VIỆT NAM

28-04-2025

DANH SÁCH CÁC KHO XƯỞNG ĐẠT CHUẨN HACCP TẠI VIỆT NAM

Theo báo cáo, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng của kho xưởng và áp dụng quy trình HACCP nhằm tối ưu hóa các quy trình trong chuỗi cung ứng thực phẩm và đáp ứng...

Mục đích của ISO 9001: Cốt lõi của hệ thống quản lý chất lượng 

18-04-2025

Mục đích của ISO 9001: Cốt lõi của hệ thống quản lý chất lượng 

Tìm hiểu mục đích của ISO 9001 theo tổ chức ISO: vì sao tiêu chuẩn này được xây dựng và vai trò thực sự trong quản lý chất lượng. 

Workshop

02-04-2025

Workshop "Lương và chính sách chế độ cho người lao động theo tiêu chuẩn trách nhiệm xã hội”

Thứ Sáu – Ngày 25/04/2025 (⏰ Từ 9:00–11:30 sáng), KNA CERT tổ chức Hội thảo trực tuyến Miễn phí với chủ đề “Lương và chính sách chế độ cho người lao động theo tiêu chuẩn trách nhiệm xã hội”

KNA đồng hành cùng bạn trên chặng đường vươn xa phía trước
Cùng phát triển bền vững & thịnh vượng

back to top
mesenger zalo
phone
0968.038.122
TẢI BẢNG GIÁ