Chuỗi cung ứng Toàn cầu bị đe dọa bởi căng thẳng trên biển Đỏ
Một trong những cung đường thương mại huyết mạch của Thế giới - Tuyến đường hàng hải chạy qua Biển Đỏ đang có nguy cơ bị gián đoạn, làm đảo lộn chuỗi cung ứng Toàn cầu, gây ra mối đe dọa với kinh tế Thế giới.
Biển Đỏ tiềm ẩn rủi ro với chuỗi cung ứng
Tháng 12/2023, nhóm phiến quân ở Yemen (lực lượng Houthi) đã tăng cường tấn công các tàu thuyền ở Biển Đỏ để thể hiện sự ủng hộ đối với lực lượng Hamas trong bối cảnh Israel tiếp tục tấn công quân sự tại dải Gaza. Kiểm soát phần lớn khu vực bờ Biển Đỏ của Yemen, lực lượng Houthi tự xem mình là một phần trong “trục kháng chiến” nhằm vào Israel. Kể từ khi chiến sự Israel - Hamas bùng nổ vào ngày 7-10, Houthi bắt đầu tấn công các tàu hàng trên các tuyến hàng hải ở Biển Đỏ mà nhóm này cho là có liên hệ với Israel, thậm chí nhắm vào cả tàu chiến Mỹ làm nhiệm vụ bảo vệ hàng hải ở khu vực, để thể hiện sự ủng hộ với Hamas trong cuộc chiến với Israel ở Dải Gaza.
Ngày 15-12 Houthi phóng 2 tên lửa vào tàu PALATIUM III treo cờ Liberia đang trong hành trình tại eo biển Bab Al-Mandab. Ngày 18/12/2023, lực lượng Houthi thực hiện 2 cuộc tấn công nhằm vào các tàu thương mại Swan Atlantic và MSC Clara thuộc sở hữu của Na Uy. Trước đó một ngày, máy bay không người lái (UAV) của Houthi tấn công tàu Al Jasrah treo cờ Liberia gây ra hỏa hoạn. Tính đến nay, lực lượng Houthi đã thực hiện hơn 100 cuộc tấn công bằng máy bay không người lái và tên lửa nhằm vào 10 tàu chở hàng đi qua Biển Đỏ.
Các cuộc tấn công của lực lượng Houthi nhằm vào các tàu thương mại gia tăng đã khiến tập đoàn dầu BP và 4 trong số các công ty vận tải biển lớn nhất thế giới, bao gồm CMA CGM, Hapag-Lloyd, Maersk và MSC, dừng vận chuyển hàng hóa qua khu vực Biển Đỏ. Điều này đồng nghĩa với việc các công ty này cũng phải tránh cả tuyến đường trọng yếu qua kênh đào Suez. Một số tàu đã phải chuyển sang cung đường chạy qua Mũi Hảo Vọng ở Nam châu Phi.
Trước diễn biến phức tạp ở Biển Đỏ, Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã đưa ra tuyên bố chung lên án “sự can thiệp của Houthi vào các quyền tự do hàng hải”. Ngày 18/12/2023, Mỹ thông báo lập liên minh 10 nước với tên gọi Chiến dịch bảo vệ thịnh vượng (OPG) để ứng phó với các vụ tập kích của Houthi nhằm vào tàu hàng trên Biển Đỏ. Các thành viên ban đầu gồm Mỹ, Anh, Bahrain, Canada, Pháp, Italy, Hà Lan, Na Uy, Seychelles và Tây Ban Nha. Hy Lạp và Australia sau đó thông báo sẽ triển khai nguồn lực để hỗ trợ liên minh.
Dự kiến, một số quốc gia tham gia chiến dịch OPG sẽ điều tàu chiến thực hiện các cuộc tuần tra chung, số khác hỗ trợ thông tin tình báo ở nam Biển Đỏ và Vịnh Aden. Nhiệm vụ chính của liên minh 10 nước là hộ tống tàu hàng qua Biển Đỏ và bắn hạ các UAV, tên lửa tập kích chúng. Hiện Mỹ đã điều 2 tàu khu trục USS Carney và USS Mason đến Biển Đỏ để làm nhiệm vụ bảo vệ hàng hải. Vũ khí chính của các tàu này nhằm đối phó với các cuộc tấn công của Houthi là các tên lửa: tên lửa Standard-6 (SM-6) có thể bắn hạ tên lửa đạn đạo ở tầng cao và các tên lửa có quỹ đạo thấp hơn; tên lửa Standard-2 (SM-2) có tầm bắn từ 185km đến 370km; tên lửa Sea Sparrow cải tiến (ESSM) được thiết kế để tấn công tên lửa hành trình chống hạm và các mối đe dọa tốc độ thấp hơn như máy bay không người lái hoặc trực thăng ở phạm vi lên tới 50km. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, khi Houthi phóng hàng loạt máy bay không người lái có giá chưa tới 100.000 USD, nếu Mỹ kéo dài chiến dịch trên Biển Đỏ, nước này có thể phải chịu thiệt hại đáng kể về các nguồn lực.
Thương mại Quốc tế bị gián đoạn
Những diễn biến trên Biển Đỏ không chỉ làm tình hình an ninh tại khu vực này căng thẳng thêm mà còn tạo ra nguy cơ với nền kinh tế Thế giới. Biển Đỏ nối với địa Trung Hải qua kênh đào Suez hình thành nên tuyến vận tải biển ngắn nhất kết nối châu Âu và châu Á. Eo biển Bab al-Mandab trên Biển Đỏ là tuyến đường biển hẹp gần Yemen có ý nghĩa chiến lược quan trọng bởi chiếm khoảng 30% thương mại hàng hóa bằng tàu container, tức khoảng 10-15% thương mại Toàn cầu. Mỗi năm có hơn 17.000 tàu và khoảng 10% lượng dầu thô vận chuyển bằng đường biển của Thế giới đi qua eo biển Bab al-Mandeb. Công ty phân tích Vortexa cho biết từ tháng 1 đến tháng 11 năm 2023, trung bình mỗi ngày có khoảng 8,2 triệu thùng dầu thô và sản phẩm dầu đi qua Biển Đỏ.
Chính vì thế, căng thẳng trên Biển Đỏ đang gây ảnh hưởng tới hoạt động vận tải hàng hải, làm gia tăng tâm lý lo ngại rằng chuỗi cung ứng Toàn cầu có nguy cơ bị giai đoạn. Theo dữ liệu từ nhà cung cấp phân tích hàng hải và theo dõi tàu MarineTraffic, giao thông qua eo biển Bab al-Mandab đã giảm 14% trong khoảng thời gian từ ngày 15 đến 19/12/2023, so với từ ngày 8 đến 12/12/2023. Trên thực tế, ngày càng nhiều tàu chở hàng quyết định neo đậu trên Biển Đỏ trong khi các tàu khác tắt các hệ thống định vị, các nhà buôn phải điều chỉnh lịch trình và chi phí vận chuyển.
Một số công ty vận tải Toàn cầu thì tìm cách chuyển hướng đi vòng qua mũi Hảo Vọng ở miền Nam châu Phi khiến quãng đường kéo dài thêm 6.000 hải lý và thời gian giao hàng kéo thêm 3 đến 4 tuần, từ đó làm tăng đáng kể chi phí vận chuyển. Cho đến nay, các tàu vận chuyển đã chuyển hướng lượng hàng hóa trị giá khoảng hơn 30 tỷ USD khỏi khu vực Biển Đỏ. Đây là thông tin rất xấu, bởi nó xảy ra đúng vào thời điểm đã có nhiều yếu tố khác tác động tiêu cực đến chi phí vận tải.
Freightos cho biết, do sự gián đoạn ở Biển Đỏ, chi phí vận chuyển một container từ Trung Quốc đến Địa Trung Hải đã tăng 44% lên 2.413 USD chỉ trong tháng 12/2023. Còn theo CNBC, tính đến ngày 21/12/2023, giá cước vận chuyển một container 40 feet từ Trung Quốc đến Anh đã tăng vọt lên 10.000 USD, tức cao gấp 4 lần so với tuần trước. Hãng đồ nội thất toàn cầu IKEA đã lên tiếng cảnh báo về nguy cơ chậm trễ vận chuyển hàng hóa và thiếu hụt sản phẩm. Nhà sản xuất thang máy Phần Lan Kone ước tính rằng một số lô hàng có thể bị trì hoãn từ 2 đến 3 tuần. Còn theo các nhà xuất khẩu Ấn Độ, giá cước vận chuyển đối với hàng hóa từ nước này đến châu Âu và châu Phi có thể tăng từ 25 - 30% nếu mối lo ngại về an ninh tại Biển Đỏ không sớm được giải quyết.
Ngoài giá cược vận tải, thị trường dầu thô cũng đang có diễn biến phức tạp bởi những căng thẳng trên Biển Đỏ. Theo Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ (EIA), lượng dầu vận chuyển qua biển Đỏ chiếm khoảng 12% tổng lượng dầu giao dịch bằng đường biển toàn cầu trong nửa đầu năm 2023. Nỗi lo nguồn cung đang đẩy giá dầu tăng trong những ngày cuối năm 2023, thậm chí sang cả quý I năm sau. Trước mắt, giá dầu đã tăng hơn 1% trong các phiên giao dịch trong tuần trước. Dầu Brent lên trên 79 USD/thùng, mức cao nhất kể từ đầu tháng 12. Trong khi đó, dầu ngọt nhẹ WTI giao tháng 1-2024 được giao dịch với giá hơn 73 USD/thùng, cũng là mức cao nhất trong hơn 2 tuần qua. Goldman Sachs cho biết với giả thuyết toàn bộ các tàu chở tổng cộng 7 triệu thùng dầu/ngày đi qua tuyến đường biển này chuyển hướng, giá dầu thô giao ngay sẽ tăng thêm 3 - 4 USD/ thùng so với giá kỳ hạn.
Giải pháp cho An ninh Chuỗi cung ứng
Trong bối cảnh an ninh Thế giới diễn biến phức tạp, cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics – giao thông vận tải cần có những biện pháp củng cố an ninh và tăng cường sức mạnh cho chuỗi cung ứng của mình. Điều này không chỉ để bảo vệ hàng hóa, tránh thất thoát tài sản và thiệt hại về kinh tế cho doanh nghiệp mà còn giúp cho khách hàng và các đối tác cảm thấy yên tâm hơn khi hợp tác với doanh nghiệp, từ đó tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Một trong những giải pháp hiệu quả, được đánh giá cao hiện nay là triển khai áp dụng các tiêu chuẩn về an ninh chuỗi cung ứng. Có thể kể tới các tiêu chuẩn phổ biến như:
1. Tiêu chuẩn C-TPAT
C-TPAT (Customs-Trade Partnership Against Terrorism) được tạo ra bởi Cục Hải quan và Bảo vệ Biên giới Hoa Kỳ (U.S. Customs and Border Protection - CBP) vào năm 2001. C-TPAT là một chương trình đối tác giữa CBP và các tổ chức thương mại để tăng cường an ninh chuỗi cung ứng quốc tế. Mục tiêu của tiêu chuẩn C-TPAT là xác định, đánh giá và tăng cường khả năng an ninh của các tổ chức tham gia trong chuỗi cung ứng tới Hoa Kỳ. Các tổ chức thương mại tham gia C-TPAT thể hiện cam kết đáng tin cậy để hợp tác với CBP trong việc xây dựng các biện pháp an ninh nhằm ngăn chặn nguy cơ khủng bố và các hoạt động buôn lậu.
2. Tiêu chuẩn SCS
SCS là viết tắt của cụm từ tiếng Anh “Supply Chain Security”, dịch sang tiếng Việt là “An ninh Chuỗi cung ứng”. Tiêu chuẩn SCS là một trong những nội dung kiểm soát thuộc hệ thống Tiêu chuẩn nhãn hàng WALMART. Mục đích của chương trình này là đảm bảo quá trình sản xuất và vận chuyển hàng hóa an toàn và bảo mật. Các nhà cung cấp cung cấp hàng hóa cho WALMART, trong đó WALMART là nhà nhập khẩu chính thức, được yêu cầu đáp ứng những kỳ vọng này thông qua chương trình An ninh Chuỗi Cung ứng (SCS) của WALMART. Tiêu chuẩn SCS yêu cầu các Nhà cung cấp tiết lộ những cơ sở hiện hành, lên lịch kiểm tra các cơ sở nói trên và cung cấp báo cáo về các cuộc đánh giá đó cho WALMART.
3. Tiêu chuẩn GSV
GSV là viết tắt của Global Security Verification hay được biết đến là Chương trình đánh giá an ninh toàn cầu. Sandler & Travis Trade Advisory Services (STTAS) và Intertek là những đơn vị đã phối hợp xây dựng GSV nhằm đáp ứng các yêu cầu về an ninh trong cộng đồng thương mại quốc tế. GSV cung cấp các giải pháp về an ninh và những thông tin cần thiết nhằm giảm thiểu những rủi ro khi vận chuyển hàng hóa Quốc tế.
4. Tiêu chuẩn SCAN
SCAN là tên gọi của bộ tiêu chuẩn về “Mạng lưới đánh giá nhà cung cấp”. SCAN được viết tắt từ cum từ tiếng Anh “Supplier Compliance Audit Network”, dịch ra là “Mạng lưới kiểm tra sự tuân thủ của nhà cung cấp”. Đây là tiêu chuẩn quốc tế có tính chất tự nguyện do Hiệp hội Thương mại SCAN xây dựng và phát triển vào năm 2015. Tiêu chuẩn SCAN được dùng cho quá trình đánh giá sự phù hợp về An ninh chuỗi cung ứng của một doanh nghiệp.
5. Tiêu chuẩn Tapa
Tiêu chuẩn TAPA là viết tắt tiếng anh của cụm từ Transported Asset Protection Association - Hiệp hội bảo vệ tài sản vận chuyển. Đây là một tổ chức do các chuyên gia an ninh thành lập, đại diện cho các doanh nghiệp đứng lên chống lại tội phạm trộm cắp trong quá trình vận chuyển hàng hóa. Thành viên của TAPA chính là các nhà sản xuất, các nhà cung cấp dịch vụ hậu cần, vận chuyển hàng hóa, các cơ quan thực thi pháp luật, và các bên liên quan khác trên Toàn cầu. Họ đều tham gia vào TAPA với một mục tiêu chung là ngăn ngừa rủi ro, giảm thiểu tối đa những rủi ro và tổn thất có thể gặp khi tham gia vào chuỗi cung ứng Quốc tế.
----------------------------------------------------------------------------------------------------
Để tìm hiểu thêm thông tin tiêu chuẩn hoặc muốn nhận báo giá ưu đãi về các dịch vụ đánh giá chứng nhận các tiêu chuẩn trên, Quý Doanh Nghiệp vui lòng liên hệ với KNA CERT theo số Hotline: 0968.038.122 hoặc Email: salesmanager@knacert.com để được hỗ trợ.
Tin Mới Nhất
Các cấp trong HACCP là gì? Vai trò của cấp bậc trong doanh nghiệp thực phẩm
HACCP là tiêu chuẩn được sử dụng phổ biến về Hệ thống phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn. Để áp dụng thành công hệ thống HACCP thì doanh nghiệp cần phân chia rõ ràng các cấp...
Hướng dẫn trình tự xây dựng HACCP - Lấy ví dụ cho HACCP
Tiêu chuẩn HACCP là tiêu chuẩn được sử dụng rộng rãi về Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, việc xây dựng và áp dụng thành công HACCP không phải là dễ dàng đối với nhiều doanh...
Hướng dẫn các bước rửa tay đúng HACCP
Nhân sự tham gia vào quá trình sản xuất thực phẩm không rửa tay đúng cách là một trong những nguyên nhân chính khiến sản phẩm bị ô nhiễm, gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp cả về chi phí...
Doanh nghiệp có HACCP thì có cần HALAL không?
Tiêu chuẩn HALAL là một tiêu chuẩn thực phẩm phổ biến, đặc biệt là với những thị trường có nhiều người Hồi Giáo sinh sống. Ngoài tiêu chuẩn này thì HACCP cũng là một tiêu chuẩn về an toàn thực...
Tiêu chuẩn HACCP có phải là ORGANIC không?
Cả hai tiêu chuẩn HACCP và ORGANIC đều là những tiêu chuẩn liên quan đến chất lượng và an toàn thực phẩm. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp thắc mắc liệu rằng “HACCP có phải là ORGANIC không?’’ và chúng khác...
Làm ISO 22000 có cần làm HACCP không? Tích hợp ISO 22000 và HACCP
Cả hai tiêu chuẩn ISO 22000 và HACCP đều là những tiêu chuẩn quốc tế phổ biến về hệ thống quản lý an toàn thực phẩm. Tiêu chuẩn ISO 22000 ra đời sau tiêu chuẩn HACCP và lấy các nguyên...