Tiềm năng xuất khẩu sản phẩm chính ngạch sang thị trường châu Âu
Tham gia xuất khẩu chính ngạch mang lại cho doanh nghiệp nhiều cơ hội quan trọng, đặc biệt trong việc tiếp cận các thị trường lớn và khó tính. Không chỉ mở rộng tầm ảnh hưởng trên thị trường Quốc tế, doanh nghiệp còn được hưởng lợi từ các chính sách hỗ trợ của nhà nước, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững.
Chiều ngày 18/11/2024, tại Hà Nội, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) đã tổ chức Hội thảo Xúc tiến thương mại sang thị trường châu Âu với chủ đề "Tiềm năng xuất khẩu các sản phẩm chính ngạch sang thị trường châu Âu." Tại sự kiện, ông Đinh Sỹ Minh Lăng, đại diện Vụ Thị trường châu Âu-châu Mỹ (Bộ Công Thương), nhấn mạnh rằng Liên minh châu Âu (EU) là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam. Theo số liệu từ Hải quan Việt Nam, kể từ khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực vào tháng 08/2020, kim ngạch xuất khẩu sang EU đạt hơn 200 tỷ USD, với tốc độ tăng trưởng ấn tượng từ 12-15% mỗi năm.
Riêng tháng 07/2024, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng trưởng mạnh, đạt hơn 20,2 tỷ USD, tăng gần 20% so với cùng kỳ năm trước. EU hiện nằm trong nhóm sáu thị trường xuất nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam. Đặc biệt, khảo sát từ Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cũng cho thấy, EVFTA đã góp phần thúc đẩy xuất khẩu từ Việt Nam sang EU tăng đáng kể, từ 35 tỷ euro năm 2019 lên hơn 48 tỷ euro vào năm 2023, với các lĩnh vực nổi bật như điện tử, dệt may, giày dép, nông nghiệp và hải sản.
Xuất khẩu chính ngạch mặc dù đòi hỏi thủ tục phức tạp hơn và chi phí cao hơn, nhưng đổi lại, hàng hóa được kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt, nâng cao uy tín của doanh nghiệp và giá trị thương hiệu Việt Nam trên trường quốc tế. Ông Đinh Sỹ Minh Lăng khuyến nghị doanh nghiệp cần đầu tư nghiên cứu thị trường, lựa chọn các tiêu chuẩn phù hợp với thị trường mục tiêu, chẳng hạn như tiêu chuẩn ISO 9001 hay tiêu chuẩn HACCP,… đồng thời xây dựng hệ thống quản lý chất lượng, cải tiến công nghệ và nâng cao kỹ năng của nhân viên. Đây là những bước chuẩn bị quan trọng để sản phẩm đáp ứng các yêu cầu khắt khe từ thị trường EU, đồng thời tận dụng hiệu quả các lợi thế mà EVFTA mang lại.
Ngoài EU, thị trường Anh cũng là một điểm đến tiềm năng cho hàng hóa Việt Nam. Ông Nguyễn Cảnh Cường, cựu Tham tán Thương mại tại Anh, chia sẻ rằng người tiêu dùng Anh đặc biệt quan tâm đến chất lượng, tính bền vững và giá trị khác biệt của sản phẩm. Họ sẵn sàng chi trả mức giá cao hơn cho những sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật và thể hiện cam kết bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cần chuẩn bị kỹ lưỡng để đáp ứng các yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn thực phẩm và môi trường từ thị trường này.
Theo ông Nguyễn Cảnh Cường, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Vương quốc Anh (UKVFTA) đã mở ra một cánh cửa lớn cho doanh nghiệp Việt Nam. Với cam kết xóa bỏ hơn 99% dòng thuế trong vòng sáu năm, các ngành hàng chủ lực như thủy sản, dệt may, giày dép, đồ gỗ và nông sản chế biến đều có lợi thế cạnh tranh vượt trội. Điển hình như ngành thủy sản, cá basa và tôm đông lạnh đã đạt kim ngạch xuất khẩu trên 30 triệu USD vào năm 2024, tăng trưởng hơn 10%. Các sản phẩm làm từ sợi tự nhiên và vật liệu bền vững cũng đang trở thành xu hướng tiêu dùng tại Anh, tạo cơ hội mới cho doanh nghiệp Việt Nam.
Thị trường Anh, nơi được xem là thị trường nhập khẩu lớn thứ hai của Việt Nam tại châu Âu, có nhu cầu cao về các sản phẩm nội thất hiện đại và sáng tạo. Doanh nghiệp cần đẩy mạnh chiến lược tiếp cận bằng cách áp dụng Digital Marketing, tận dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để phân tích xu hướng thị trường, tham gia các hội chợ thương mại Quốc tế, và hợp tác chặt chẽ với các tổ chức hỗ trợ thương mại. Viện Tiêu chuẩn Anh (BSI) đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm sản phẩm đạt yêu cầu kỹ thuật và pháp lý, giúp doanh nghiệp giảm thiểu rủi ro khi tiếp cận thị trường này. Sản phẩm đạt tiêu chuẩn BSI không chỉ dễ dàng thuyết phục người tiêu dùng mà còn có thể mở rộng thị trường ra khắp châu Âu.
Người tiêu dùng Anh có xu hướng đánh giá cao các sản phẩm sử dụng chất liệu tái chế, dễ phân hủy và đáp ứng các tiêu chí bền vững. Đồng thời, họ yêu cầu thông tin sản phẩm minh bạch như tên gọi, thành phần, hướng dẫn sử dụng, và xuất xứ rõ ràng. Thiết kế bao bì cũng cần tinh tế, sử dụng tông màu nhã nhặn, tránh các màu sắc quá rực rỡ như đỏ, nhằm phù hợp với thị hiếu của thị trường.
Ông Neil Nguyễn, Tổng giám đốc Công ty Tư vấn Xuất nhập khẩu Việt Nam-Châu Âu, chia sẻ rằng nhiều doanh nghiệp Việt gặp khó khăn trong việc tiếp cận và duy trì mối quan hệ với khách hàng Quốc tế. Tình trạng mất liên lạc sau khi gửi mẫu hay báo giá là vấn đề phổ biến. Để khắc phục, doanh nghiệp cần tập trung vào xuất khẩu trực tiếp để đảm bảo giao dịch thực sự và hiệu quả.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Thành Hưng, chuyên gia tư vấn cao cấp của Chính phủ, nhấn mạnh rằng doanh nghiệp nên chủ động xác minh thông tin từ đối tác thông qua các nguồn chính thống như hiệp hội ngành nghề hay cơ quan ngoại giao Việt Nam tại nước sở tại. Trong các giao dịch mua bán quốc tế, hợp đồng cần được thiết kế chặt chẽ để bảo vệ quyền lợi và trách nhiệm của các bên, tránh phụ thuộc hoàn toàn vào môi giới.
Vận tải đường biển thường được lựa chọn để tiết kiệm chi phí khi xuất khẩu hàng hóa, nhưng doanh nghiệp cần nắm rõ các quy định liên quan đến giới hạn trách nhiệm của bên vận chuyển. Điều này không chỉ giúp lường trước rủi ro phát sinh mà còn chuẩn bị sẵn các phương án xử lý hiệu quả. Kiến thức về lĩnh vực vận tải, kết hợp với chiến lược xuất khẩu thông minh, sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam gia tăng lợi thế cạnh tranh và thành công tại thị trường Anh đầy tiềm năng.
Việc tham gia xuất khẩu chính ngạch không chỉ là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam khẳng định vị thế trên trường Quốc tế mà còn là động lực để nâng cao chất lượng sản phẩm và xây dựng thương hiệu vững chắc, đồng hành cùng sự phát triển bền vững của nền kinh tế. Nếu doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong việc đáp ứng các tiêu chuẩn của thị trường xuất khẩu, vui lòng liên hệ với KNA CERT theo số Hotline: 0968.038.122 hoặc Email: salesmanager@knacert.com để được hỗ trợ.
Tin Mới Nhất

Workshop "Lương và chính sách chế độ cho người lao động theo tiêu chuẩn trách nhiệm xã hội”
Thứ Sáu – Ngày 25/04/2025 (⏰ Từ 9:00–11:30 sáng), KNA CERT tổ chức Hội thảo trực tuyến Miễn phí với chủ đề “Lương và chính sách chế độ cho người lao động theo tiêu chuẩn trách nhiệm xã hội”

EU siết chặt quy định với nông sản tươi nhập khẩu
Liên minh Châu Âu (EU) đang áp dụng các quy định nghiêm ngặt hơn đối với nông sản nhập khẩu nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm, kiểm soát dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật và bảo vệ...

Vai trò của phát triển xanh trong kỷ nguyên mới
Trong kỷ nguyên mới, phát triển xanh không chỉ đơn thuần là một giải pháp bảo vệ môi trường mà còn là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nâng cao chất lượng cuộc sống. Đây là mô...

Ngành gỗ và bài toán thay đổi để thích ứng thị trường
Dù phải đối mặt với nhiều rào cản thương mại từ các thị trường đối tác, ngành gỗ Việt Nam vẫn đứng trước cơ hội phát triển mạnh mẽ khi nhu cầu đồ nội thất gỗ trên thế giới tiếp...

ESG: Chìa khóa phát triển bền vững hay hiệu ứng phong trào?
Trong suốt thập kỷ qua, ESG (Environmental - Môi trường, Social - Xã hội, Governance - Quản trị) đã trở thành một chủ đề nóng trên toàn cầu. Nhiều người xem đây là chìa khóa giúp doanh nghiệp phát triển...