Kinh tế tuần hoàn trong Ngành Giấy
Các chuyên gia trong Ngành Giấy nhận định, trong vòng 5 năm tới nhu cầu tiêu thụ giấy vệ sinh, giấy bao bì sẽ có xu hướng tiếp tục tăng cao.
Quy mô Ngành Giấy còn khiêm tốn so với tiềm năng
Nếu tiếp tục giữ vững tốc độ tăng trưởng sản xuất như hiện nay, Việt Nam có thể trở thành nước sản xuất giấy bao bì hàng đầu khu vực Đông Nam Á. Điều này cho thấy tiềm năng của lĩnh vực tái chế giấy (một nội hàm của Kinh tế tuần hoàn). Tuy nhiên, để phát huy được tiềm năng này, rất cần các đòn bẩy từ cơ chế, chính sách của Nhà nước.
Trên thực tế, công nghệ và quy mô của Ngành Giấy trong nước còn khá khiêm tốn so với tiềm năng phát triển (chỉ ở mức trung bình khá), thiết bị công nghệ đa số là từ Trung Quốc, trừ một vài doanh nghiệp FDI có công nghệ theo tiêu chuẩn của Thế giới. Mặc dù có sự tăng trưởng về công suất và sản lượng, nhưng Việt Nam vẫn đang phải nhập khẩu các loại sản phẩm giấy chất lượng cao (như giấy in cao cấp, giấy tráng phấn, giấy gấp hộp cho các loại mỹ phẩm, dược phẩm…).
Ngành Giấy là ngành công nghiệp tái chế điển hình trong Kinh tế tuần hoàn
Theo Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam (VPPA), Ngành Giấy đã thỏa mãn nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu một lượng lớn giấy bao bì và giấy tissue. Hiện nay, các doanh nghiệp trong nước đang nỗ lực đầu tư đổi mới công nghệ, mở rộng quy mô sản xuất, dự kiến đến năm 2025, Ngành Giấy Việt Nam có thể đáp ứng được hầu hết các chủng loại sản phẩm giấy, phục vụ phát triển kinh tế xã hội và tăng cường xuất khẩu.
Ngành Giấy chủ yếu có hai nguồn nguyên liệu đầu vào chính là dăm mảnh (từ gỗ rừng trồng như keo, bạch đàn) để sản xuất ra bột giấy và giấy thu hồi (hay còn gọi là giấy phế liệu) dùng cho sản xuất giấy bao bì. Trong đó, giấy thu hồi chủ yếu từ nguồn nhập khẩu (hoạt động thu gom giấy phế liệu trong nước chỉ đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu sản xuất).
Giấy bao bì sản xuất từ giấy thu hồi đang chiếm phần lớn tỷ trọng của Ngành Giấy Việt Nam
Theo số liệu từ VPPA, sản lượng giấy các loại năm 2022 do các doanh nghiệp ngành giấy sản xuất đạt khoảng gần 7 triệu tấn (trong đó giấy bao bì chiếm tới khoảng 6 triệu tấn), như vậy để đáp ứng nguyên liệu cho sản xuất giấy bao bì, Ngành Giấy cần tới 6,5 triệu tấn giấy thu hồi (Số liệu hải quan Việt Nam cho biết, hiện nước ta nhập khẩu khoảng 4 triệu tấn giấy thu hồi).
VPPA cho biết thông thường trong sản xuất giấy từ bột giấy nguyên sinh, quy trình sản xuất phải trải qua nhiều công đoạn, tiêu hao nhiều nguyên liệu, hóa chất, điện năng và nhiên liệu. Ngược lại, sản xuất giấy từ giấy thu hồi (tái chế giấy) đã giúp tiết giảm được nhiều khâu, tiết kiệm nhiên liệu, hóa chất, điện năng, và đặc biệt là hạn chế nguyên liệu gỗ rừng trồng.
Từ thực tế này cho thấy, Ngành Giấy là ngành công nghiệp tái chế điển hình trong vận dụng Kinh tế tuần hoàn và phù hợp nhất với mô hình Kinh tế tuần hoàn trong các ngành kinh tế. Nguyên liệu đầu vào trong sản xuất giấy xuất phát từ gỗ, có khả năng tái sinh, và giấy thu hồi có thể được thu gom, tái chế và tái sử dụng nhiều lần.
Hiện nay, nhờ việc áp dụng các giải pháp kỹ thuật, công nghệ, các nhà máy sản xuất bột giấy trong nước đều có khả năng tự cung, tự cấp điện, hơi, hóa chất… vì hơn 95% nguyên, vật liệu dùng trong sản xuất có thể tái sinh, tái chế, tái sử dụng, quay vòng tuần hoàn lại sản xuất. Các chất thải nói chung đều có thành phần hữu cơ nên có khả năng phân hủy sinh học (đáp ứng các tiêu chuẩn khi thải ra môi trường).
Các nhà máy giấy bao bì sử dụng nguyên liệu đầu vào là giấy thu hồi (chủ yếu là hòm hộp các-tông cũ - OCC và các loại giấy phế liệu khác), theo quy trình sản xuất thì cứ 1,12 tấn giấy thu hồi sẽ sản xuất được 1 tấn giấy bao bì, phần còn lại (không phải giấy) như đinh, gim, băng dính, mực… đều được thu gom, tái chế, tái sử dụng hoặc làm nhiên liệu đốt cho các lò hơi, chuyển hóa thành năng lượng và đưa quay trở lại sản xuất.
Thay đổi nhận thức về Ngành Giấy
Dự báo, nhu cầu giấy bao bì tăng trưởng 10 -12 % mỗi năm và vẫn đang tiếp tục gia tăng. Ngoài ra, theo VPPA để đáp ứng nhu cầu sản xuất trong nước, việc nâng cao chất lượng sản phẩm giấy, tăng sản lượng bột giấy để giảm chi phí ngoại tệ nhập khẩu phải được quan tâm trong giai đoạn tới.
Hiện có một nghịch lý đang tồn tại là Ngành Giấy Việt Nam đứng đầu thế giới về xuất khẩu nguyên liệu thô (dăm mảnh gỗ), nhưng lại nhập khẩu bột giấy, trong khi sản xuất bột giấy là lĩnh vực mang lại giá trị gia tăng cao. Cụ thể theo số liệu từ VPPA hàng năm Việt Nam xuất khẩu gần 15 triệu tấn dăm mảnh gỗ, lượng dăm mảnh tiêu thụ trong nước cho sản xuất bột giấy chỉ đạt khoảng 500 nghìn tấn (chủ yếu cung cấp cho 2 nhà máy sản xuất bột giấy là An Hòa và Nhà máy Giấy Bãi Bằng – Tổng Công ty Giấy Việt Nam).
Theo Tiến sỹ Đặng Văn Sơn – Tổng Thư ký Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam, do nhận thức xã hội chưa đầy đủ, nên Ngành Giấy hiện đang bị coi là ngành gây ô nhiễm môi trường, tuy nhiên đây là vấn đề của hàng chục năm trước, khi quy mô sản xuất nhỏ, thủ công, ít quan tâm xử lý môi trường, ngoài ra một phần là do thực trạng sản xuất công nghiệp tự phát của các làng nghề (làng nghề không thể đại diện và phản ánh thực trạng hiện nay của ngành công nghiệp sản xuất giấy).
Thực tế, hiện các doanh nghiệp sản xuất giấy hầu hết đã tập trung vào đầu tư với quy mô công suất lớn, có hệ thống xử lý nước thải phù hợp, đối với chất thải rắn đã được thu gom, tái chế, tái sử dụng hoặc chuyển hóa thành năng lượng phục vụ cho nhu cầu sản xuất của nhà máy. Hiện nay, nguyên liệu đầu vào cho sản xuất giấy bao bì (đặc biệt là OCC) vẫn còn có những quy định chưa phù hợp (hiện OCC đang bị quản lý như phế liệu, áp những quy định, thủ tục liên quan đến môi trường, phải có giấy phép…) điều này tạo thêm gánh nặng về thời gian, chi phí, giảm ưu thế cạnh tranh của doanh nghiệp. Trong khi tại các nước khác nguyên liệu giấy OCC được quản lý như nguyên liệu thứ cấp cho đầu vào sản xuất.
Quản lý phù hợp để Ngành Giấy tận dụng cơ hội phát triển
Đến thời điểm hiện tại, để Ngành Giấy tận dụng được cơ hội tăng tốc phát triển thì Việt Nam cần nâng cao nhận thức, có ứng xử với “giấy tái chế” theo đúng cách gọi là “giấy thu hồi” như các quốc gia sản xuất giấy hàng đầu, không coi giấy thu hồi là phế liệu mà là nguyên liệu thứ cấp, là tài nguyên quốc gia để có các chính sách khai thác, thu gom, sử dụng phù hợp.
Việt Nam cũng cần xây dựng và hoàn thiện hệ thống các quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia xếp giấy thu hồi (OCC) là nguyên liệu thứ cấp coi như mặt hàng nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất thông thường.
Ngoài ra, theo các chuyên gia cần cơ chế khuyến khích doanh nghiệp đầu tư công nghệ tái chế và hệ thống thu gom, thu hồi, phân loại những sản phẩm đã qua sử dụng mà có thể tái chế quay lại sản xuất nói chung trong đó có thu gom giấy (cụ thể là chính sách thuế, tín dụng, sản phẩm dán nhãn xanh, chính sách quy định bắt buộc phân loại tại nguồn…) vì hiện tỷ lệ thu gom của nước ta rất thấp chỉ đạt 40% nếu làm tốt có thể nâng lên 70%.
Nhiều nước trên Thế giới tỷ lệ thu gom đã đạt trên 80% (điển hình như nước Nhật lên gần 90%). Hiện việc thu gom giấy trong nước là tự phát, nhỏ lẻ, chưa có hệ thống thu gom, phân loại tại nguồn, khiến nguyên liệu này vô tình bị biến thành rác, gây thất thoát lãng phí tài nguyên.
Trước mắt, Nhà nước cần có các giải pháp nhằm nâng cao nhận thức chi tiết, rõ ràng, chính xác về Kinh tế tuần hoàn cho doanh nghiệp và xã hội nhận thức, đồng thời nhanh chóng xây dựng các văn bản hướng dẫn, định hướng, cụ thể, chi tiết, phù hợp, đặc biệt cho các lĩnh vực nhiều tiềm năng phát triển, kêu gọi sự chung tay chia sẻ về kinh nghiệm, tài chính của cộng đồng thế giới… để đẩy nhanh tốc độ phát triển theo hướng Kinh tế tuần hoàn.
Nếu các doanh nghiệp sản xuất giấy và bao bì đang quan tâm tới các tiêu chuẩn tái chế như: Tiêu chuẩn RCS (Tiêu chuẩn Tuyên bố Tái chế), Tiêu chuẩn GRS (Tiêu chuẩn Tái chế Toàn cầu),… vui lòng liên hệ với KNA CERT theo số Hotline: 0968.038.122 hoặc Email: salesmanager@knacert.com để biết thêm thông tin chi tiết.
Tin Mới Nhất
Các cấp trong HACCP là gì? Vai trò của cấp bậc trong doanh nghiệp thực phẩm
HACCP là tiêu chuẩn được sử dụng phổ biến về Hệ thống phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn. Để áp dụng thành công hệ thống HACCP thì doanh nghiệp cần phân chia rõ ràng các cấp...
Hướng dẫn trình tự xây dựng HACCP - Lấy ví dụ cho HACCP
Tiêu chuẩn HACCP là tiêu chuẩn được sử dụng rộng rãi về Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, việc xây dựng và áp dụng thành công HACCP không phải là dễ dàng đối với nhiều doanh...
Hướng dẫn các bước rửa tay đúng HACCP
Nhân sự tham gia vào quá trình sản xuất thực phẩm không rửa tay đúng cách là một trong những nguyên nhân chính khiến sản phẩm bị ô nhiễm, gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp cả về chi phí...
Doanh nghiệp có HACCP thì có cần HALAL không?
Tiêu chuẩn HALAL là một tiêu chuẩn thực phẩm phổ biến, đặc biệt là với những thị trường có nhiều người Hồi Giáo sinh sống. Ngoài tiêu chuẩn này thì HACCP cũng là một tiêu chuẩn về an toàn thực...
Tiêu chuẩn HACCP có phải là ORGANIC không?
Cả hai tiêu chuẩn HACCP và ORGANIC đều là những tiêu chuẩn liên quan đến chất lượng và an toàn thực phẩm. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp thắc mắc liệu rằng “HACCP có phải là ORGANIC không?’’ và chúng khác...
Làm ISO 22000 có cần làm HACCP không? Tích hợp ISO 22000 và HACCP
Cả hai tiêu chuẩn ISO 22000 và HACCP đều là những tiêu chuẩn quốc tế phổ biến về hệ thống quản lý an toàn thực phẩm. Tiêu chuẩn ISO 22000 ra đời sau tiêu chuẩn HACCP và lấy các nguyên...